Biển báo bị che khuất có hiệu lực?

Biển báo giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và cảnh báo tình trạng đường, tuy nhiên việc biển báo bị che khuất lại khiến người dân hoang mang.

Để di chuyển thuận lợi và an toàn, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông cần chú ý quan sát các chỉ dẫn của hệ thống biển báo giao thông. Vậy các biển báo giao thông trên đường có hiệu lực thế nào?

Biển báo giao thông là gì?

Theo Khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm các thành phần như hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. Trong đó, biển báo hiệu là một phần quan trọng của hệ thống này, chứa đựng các thông tin chỉ dẫn liên quan đến giao thông.

Như vậy, biển báo hiệu là một trong phần của hệ thống báo hiệu đường bộ, đây là những biển hiệu có chứa các thông tin chỉ dẫn liên quan đến phương tiện tham gia giao thông. Việc tuân thủ chỉ dẫn của các biển báo giao thông được lắp đặt trên đường sẽ giúp người điều khiển phương tiện di chuyển an toàn, tránh bị xử phạt vi phạm giao thông.

Các nhóm biển báo giao thông theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, các biển báo giao thông được chia thành 5 nhóm cơ bản sau:

1. Biển báo cấm: Nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.

2. Biển hiệu lệnh: Nhóm biển dùng để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt) nếu không sẽ bị phạt.

3. Biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Nhóm biển báo hiệu cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.

4. Biển chỉ dẫn: Nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông

5. Biển phụ, biển viết bằng chữ: Nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm và cảnh báo, biển báo chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập. 

Quy định về hiệu lực của biển báo giao thông

Theo Khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn từ hệ thống báo hiệu đường bộ. Điều này áp dụng cả cho các biển báo giao thông trên đường.

Thứ tự hiệu lực của biển báo giao thông

Trong đó, thứ tự hiệu lực của biển báo giao thông trong hệ thống báo hiệu được xác định theo Điều 4 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT: “Nếu đoạn đường đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự sau:

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Hiệu lệnh của biển báo hiệu giao thông.
Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Trường hợp có cả biển báo hiệu cố định và biển báo tạm thời có ý nghĩa khác nhau thì chấp hành hiệu lệnh của biển báo tạm thời.

Biển báo bị che khuất như “đánh đố” người tham gia giao thông.

Biển báo bị che khuất có hiệu lực không?

Luật Giao thông đường bộ tại điều 37.2 chỉ quy định chung là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành có trách nhiệm cắm biển báo” mà thiếu các quy định về giám sát, phối hợp và chế tài vi phạm đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cắm biển báo.

Cạnh đó, theo quy định khoản 1, điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh các tình tiết khác có ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt. Việc biển báo không rõ thông số, bị che khuất, lắp đặt ở vị trí bất hợp lý là “tình tiết khác” có ý nghĩa quan trọng đối với việc xem xét, ra quyết định xử phạt.

Nhưng điều 59 lại chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết…” nên không phải là điều khoản bắt buộc người có thẩm quyền xử phạt hành chính có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của người vi phạm vì nếu cho là “không cần thiết” thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ không bắt buộc phải xác minh cho dù đã có ý kiến của người bị lập biên bản là không đồng ý với lỗi ghi trong biên bản.

Quyền của người tham gia giao thông

Khi gặp phải tình huống bị lập biên bản vi phạm do biển báo giao thông không đúng quy định hoặc bị che khuất, người tham gia giao thông có quyền yêu cầu chụp hình, mô tả tình trạng của biển báo và ghi ý kiến không đồng ý vào biên bản.

Người tham gia giao thông bị lập biên bản và bị xử phạt có quyền gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng hay khởi kiện hành vi hành chính (lập biên bản sai), quyết định hành chính sai (ra quyết định không có cơ sở) của cảnh sát giao thông đến tòa án thẩm quyền để được giải quyết.

Click đánh giá bài viết!
[Tổng: 0 Trung bình: 0]

Viết một bình luận

Contact Me on Zalo
0867 847 247